Phiên ngoại 2: Another story
Tác giả: Miêu đại phu
Edit: Dú
—————————————–
Phần 2:
Sau Tết lại đến ngày phải trả tiền thuê nhà và phí sinh hoạt, Lý Gia Đồ nhìn tài khoản ngân hàng trong điện thoại, hơi sầu lo về việc làm sao để trả phí của quý này như thế nào. Trước đây cậu cứ một lòng muốn làm thủ tục tham gia cuộc thi, hoãn việc biểu diễn của nhóm nhạc vào cuối tuần ở quán bar, kết quả là tiền kiếm được bị thiếu mất một khoản lớn.
Thấy Tô Đồng đã quay về phòng, cậu cất điện thoại, đợi anh lên giường.
“Tắt đèn nhé?” Tô Đồng quay đầu hỏi cậu một câu, tắt cái đèn bàn đầu giường, nằm xuống rồi nói, “Ngủ ngon.”
Lý Gia Đồ trở mình, dịch người lại gần anh, “Ngày mốt là anh về Hàng Châu rồi à?”
“Ừ. Em cũng phải đi học mà, không phải ư?” Tô Đồng đáp.
Tô Đồng dùng số ngày nghỉ tết Nguyên Đán và những ngày nghỉ còn lại trong năm để đến Tokyo thăm cậu. Hai người đã ở bên nhau được vài ngày, ban đầu Lý Gia Đồ cứ thấy năm nay sao dài quá, nào ngờ nháy mắt đã qua hơn nửa rồi.
Nghĩ đến chuyện mấy ngày cuối năm mỗi hôm đều có tiệc Bokenai, gần như ngày nào cũng về muộn, Lý Gia Đồ không khỏi thấy không cam lòng. Cậu cúi đầu cọ lên đầu vai Tô Đồng, “Ngủ ngon.”
“Ngủ ngon.” Tô Đồng khẽ vỗ đầu cậu, “Mơ đẹp nhé.”
Sáng sớm ngày đầu năm mới, vì say rượu nên Lý Gia Đồ ngủ dậy muộn. Cậu thức dậy, gấp chăn, đánh răng rồi xuống tầng thì thấy Tô Đồng đang đứng trong bếp trò chuyện với Giang Dục, thế là bước tới nói câu chào buổi sáng.
“Lý Gia Đồ dậy rồi à?” Một chủ thuê nhà khác chống gậy, cầm bức thư bước từ bên ngoài vào, “Mau uống rượu Đồ Tô này.”
Lý Gia Đồ không hiểu cho lắm, “Rượu Đồ Tô?”
Tô Đồng quơ một túi giấy nhỏ đang tản mùi thảo dược, “Đây là, bột Đồ Tô đã được cầu phuc ở đền thờ Thiên hoàng Minh Trị, tẩm vào Mirin(*) để uống.”
(*Chú thích: Mirin là một loại gia vị thiết yếu được sử dụng trong ẩm thực Nhật Bản. Nó là một loại rượu gạo tương tự như sake, nhưng với hàm lượng cồn thấp hơn và hàm lượng đường cao hơn.)
“Phù hộ cho cháu năm mới vô bệnh vô tai, không gặp vận rủi. Còn có thể phù hộ khỏe mạnh sống lâu, cả nhà hạnh phúc.” Trần Nhiễm bổ sung.
Giang Dục mỉm cười với cậu, “Ăn sáng xong rồi uống sau cũng không muộn.”
Nhà có hai chủ thuê, với cả trong căn nhà thuê này của Lý Gia Đồ vốn là ba người thay phiên nhau làm bữa sáng. Nhưng vì Tô Đồng đến làm khách nên đã thành bốn người.
Bữa sáng ngày đầu năm mới là mỳ Soba(*) Tô Đồng nhập gia tùy tục làm ra. Vì tối qua phải đi tiệc Bonenkai nên Lý Gia Đồ vẫn chưa được ăn, giờ thì ăn mỳ trường thọ được rồi. Sợi mỳ vừa cắn cái đã đứt, cũng như cắt hết mọi điều lận đận của năm trước.
(*Chú thích: Soba là tên gọi tiếng Nhật của kiều mạch. Nó thường đề cập đế loại mỳ sợi nhỏ được làm từ bột kiều mạch, hoặc một hỗn hợp bột kiều mạch và lúa mì. Nó đối lập với loại mỳ sợi dày, được gọi là udon.)
Lý Gia Đồ ăn sáng, còn ba người khác thì cùng ngồi vào bàn uống trà trò chuyện. Điều khiến Lý Gia Đồ thấy vui là Tô Đồng và hai chủ nhà đều nói rất hăng say. Cậu cũng nhìn ra được rằng, hai chủ thuê rất thích Tô Đồng. Song, Lý Gia Đồ cứ thấy việc Tô Đồng đi đến đâu cũng được người ta yêu thích là chuyện đương nhiên.
Hai chủ thuê là một đôi, đều là người Trung Quốc.
Trước đây Trần Nhiễm là một sao lớn, từng diễn rất nhiều bộ phim điện ảnh lưu danh vào lịch sử phim ảnh, chính ông cũng từng giành được vài giải thưởng diễn viên xuất sắc nhất. Sau này khi không còn làm diễn viên chính phim điện ảnh nữa, ông và Giang Dục đã cùng chuyển tới sống ở Nhật Bản. Trước đó Giang Dục từng là giáo viên cấp ba, từ chức rồi thì mở một tiệm sách ở Bắc Kinh.
Giờ đây, hai người đã cùng mở một tiệm cà phê nho nhỏ ở Tokyo, tâm trạng tốt thì đến buôn bán, dành thời gian để tiếp đón khách ngủ nhờ.
Trước khi Lý Gia Đồ đến Tokyo, cậu luôn liên lạc với bạn cùng trường hoặc những du học sinh Trung Quốc để xem có thể tìm được phòng thuê nào hợp hay không. Khi ấy cậu từng nghiên cứu về bàn môn nhà họ Phù rồi liên hệ với anh ta, chủ nhân trẻ tuổi kia đã từng là học trò của Trần Nhiễm tại học viện điện ảnh. Biết được Lý Gia Đồ đang muốn tìm nơi ở khi ra nước ngoài, bèn giới thiệu để hai bên quen biết nhau.
Cứ như vậy, khi Lý Gia Đồ một thân một mình đến Nhật Bản, chẳng những được nhận sự chào đón nồng nhiệt của trường, mà còn có được cảm giác như ở nhà lúc sống trong nhà của người khác.
Trong gần một năm Lý Gia Đồ sống ở nhà hai người Giang Trần, họ đều đối xử với cậu như người nhà. Không chỉ chia sẻ không gian nhà cửa với cậu, ba người còn cùng ăn ở, cùng nấu cơm, cùng thay phiên nhau làm việc nhà như một gia đình bình thường.
Giang Dục hiểu biết rất nhiều thứ, tựa như một bậc học giả, và giống một vị hiền triết hơn cả, gần như mỗi lần Lý Gia Đồ trò chuyện cùng ông đều chiếm được những thu hoạch không nhỏ. Nghe Trần Nhiễm kể, Giang Dục có một đứa con gái, lớn hơn cậu vài tuổi, nên e là Giang Dục cũng đang đối xử với cậu như con trai ông vậy.
Sinh nhật năm ngoái, Lý Gia Đồ đã trải qua một mình ở Nhật Bản. Hai chủ thuê cùng tặng cậu bàn vẽ hoàn toàn mới, cho cậu một điều ngạc nhiên cực lớn. Thịnh tình đến vậy khiến Lý Gia Đồ nhận được mà thấy ngượng ngùng, tuy tiền mua cái bàn ấy không tính là gì so với hai người họ, nhưng sức nặng của tấm lòng thật sự làm Lý Gia Đồ cảm động không thôi.
Vì vậy, Lý Gia Đồ bèn giải quyết việc nhà giúp. Suốt cả một tuần, mãi đến khi Trần Nhiễm dở khóc dở cười nói với cậu rằng, việc nội trợ hoàn mỹ của cả tuần này cũng đã đủ để đổi một cái bàn, cháu đừng làm nữa.
“Bên trong có Đại Hoàng, Sơn Tiêu, Phòng Phong Đẳng, hơn mười loại thảo dược.” Lúc Lý Gia Đồ hỏi, Giang Dục đã nói cho cậu biết.
Trần Nhiễm nhìn đồng hồ, vội ra ngoài, “Chúng ta uống rượu Đồ Tô luôn đi, uống xong thì ra ngoài được rồi.”
Vì vậy mà Lý Gia Đồ mới biết thì ra hai người chưa hề uống giọt nào.
Giang Dục đưa bát rượu Đồ Tô trường thọ đã ngâm Mirin cho Lý Gia Đồ, “Nào, nhỏ tuổi thì uống trước. Đừng uống hết nhé.”
Thảo nào bọn họ cứ luôn đợi cậu uống, thì ra là đạo lý này. Lý Gia Đồ đặt đũa xuống, hai tay nhận bát uống ừng ực, phần còn lại thì đưa cho Tô Đồng.
Đợi đến khi cả ba đã lần lượt uống cạn rượu trong bát rồi, rượu Đồ Tô vào ngày tết Nguyên Đán cũng tính là uống xong. Giang Dục buông bát, cười nói, “Được rồi, năm nay rồi sẽ bình an, vô ưu vô lự.”
Trần Nhiễm bật cười cầm gậy, nói với hai người bọn cậu, “Các bác ra ngoài đây. Tối gặp nhé.”
“Tối gặp ạ.” Lý Gia Đồ đồng thanh nói lời tạm biệt.
Chủ thuê đã đi rồi, Lý Gia Đồ giảm tốc độ ăn mỳ. Tô Đồng cũng không hề sốt ruột chút nào, vừa lên mạng vừa đợi cậu.
Một lát sau, Tô Đồng hỏi, “Có phải ngày mai thầy Trần sẽ đến bệnh viện để phẫu thuật không?”
“Ừ.” Nhớ tới chuyện vừa nãy hai người buông một câu rất nhẹ nhàng năm mới vô ưu vô lự, trong tâm trí Lý Gia Đồ thấy rằng thái độ của hai người đối với cuộc đời đúng là lạc quan.
Tô Đồng khe khẽ thở dài, nhắc cậu, “Nên anh mới nói em đó, đừng học mấy đứa trẻ Nhật Bản nhé, trời rét lạnh thế mà cứ mặc mỗi cái quần đùi ra ngoài hứng gió. Giờ có một ví dụ thực tế xảy ra trước mặt rồi đấy?”
Vốn dĩ Trần Nhiễm phải chống gậy, thứ nhất là bởi vì hồi còn trẻ đến Nhật quay phim đã không chú ý việc giữ ấm chân vào mùa đông như trẻ nhỏ nơi bản xứ nên để lại bệnh phong thấp. Thứ hai là bởi vì mùa đông mấy năm trước có đến Hokkaido trượt tuyết, trượt được nửa đường thì ngã, hai đầu gối bị tổn thương nặng. Ban đầu cả hai sống ở Kyoto, nhưng vì để tiến hành các cuộc trị liệu tích cực cho đôi chân của Trần Nhiễm nên mới chuyển tới Tokyo.
Cuối năm ngoái, bác sĩ đã đề nghị Trần Nhiễm phải phẫu thuật chân, nếu không sẽ có nguy cơ phải cưa chân. Qua cuộc bàn bạc với bác sĩ, chí ít vẫn phải qua Tết mới vào phòng phẫu thuật được, vì nhanh chóng nên cả hai đã xác định là ngày thứ hai của năm mới.
Nghe xong lời dạy bảo của Tô Đồng, tuy Lý Gia Đồ thấy anh cứ mãi lải nhải, song vẫn thoải mái gật đầu, “Em biết rồi.” Cậu nhìn sang bát rượu vừa uống xong, “Lại nói chứ, uống rượu Đồ Tô này thật sự có thể đủ để phù hộ không gặp vận rủi ư?”
Tô Đồng nhún vai, “Mấy thứ mê tín ấy, có niềm tin là được.”
“Nhưng em thấy tên của rượu này cực kỳ không may mắn. Đồ Tô(*). Anh nghe mà xem, điềm xấu lắm.” Nói xong, cậu lè lưỡi ra vẻ ghét bỏ, vị thảo dược hãy còn giữ trong miệng, mùi rất kỳ lạ.
(*Đồ còn có nghĩa là tàn sát/giết nên “Đồ Tô” có thể hiểu là giết Tô Đồng, mình đoán ý của Lý Gia Đồ ở đây là vậy.)
Không biết đã chọt phải nút cười nào của Tô Đồng mà anh cứ đỡ trán cười không ngừng. Lý Gia Đồ thấy vậy, cũng không khỏi cười theo.
Ăn xong, Lý Gia Đồ vốn định giặt đồ thì phát hiện ra đồ đã được phơi ngoài sân. Nước trong bể cá vàng cũng được thay, tất cả đều đã được sắp xếp ổn thỏa. Cậu đứng nơi huyền quan, đợi Tô Đồng bước xuống từ trên tầng, đưa áo khoác cho anh.
“Cho em này. Nhập gia tùy tục, đưa em một phần trước đã.” Trước khi nhận áo khoác, Tô Đồng đưa một bao lì xì cho cậu.
Lý Gia Đồ nhận ra đây là tiền mừng tuổi, vui vẻ nhận lấy, “Cảm ơn anh!”
“Dạo này thiếu tiền lắm à? Vui đến vậy kìa.” Anh đùa, xoay người đi giày.
Cậu không muốn nói với Tô Đồng rằng, đúng là hai ngày nay cậu đang lo lắng về số tiền thuê nhà và phí sinh họat chưa giao.
Cậu mở bao tiền ra ngay trước mặt Tô Đồng, đếm số tiền bên trong, phát hiện ra trừ đi tiền chi tiêu xong thì còn dư chút tiền tiêu vặt, vội cảm ơn anh lần nữa, “Cảm ơn thầy Tô nha.”
“Ngoan, cố gắng học hành nhé.” Tô Đồng nhéo mặt cậu, mở cửa bước ra ngoài.
Ban đầu hai người cũng định đến chùa chiền cầu phúc vào ngày đầu năm mới như dân bản xứ. Nhưng khi cả hai đến chùa Sensō-ji, nhìn dòng người nhốn nháo từ xa kia thì không khỏi chùn bước.
Trước chùa có không ít hàng bán cơm rượu Amazake, những cô gái mặc Kimono mời hàng với những người đi ngang qua. Lý Gia Đồ mua hai chén, một chén trong đó đưa cho Tô Đồng. Hai người đứng bên đường uống cơm rượu thơm ngọt, quyết định đến phố sách cổ tìm sách cái đã, nếu có thể mua đồ lưu niệm được thì cũng tiện cho Tô Đồng đưa về nước.
So với đám đông như mây ở nơi khác, phố sách cổ im ắng hơn rất nhiều. Vì đang là năm mới nên một số tiệm sách chưa mở bán. Tiệm nào mở thì đặt không ít chồng sách ở cửa, trừ những bộ sách tiếng Nhật ra thì không thiếu sách nước ngoài.
Vì hầu hết đều là tiệm sách nên hai người chưa đi dạo quá lâu thì đã qua trưa. Lý Gia Đồ đứng trước giá sách đặt ở cửa một tiệm, đọc cuốn “Nghiên cứu kiến trúc thời kỳ Nara Nhật Bản” bản đặc biệt, trong lúc chăm chú đấy, ngay cả việc Tô Đồng đã đi đâu cậu cũng không phát hiện ra.
Đợi đến đi anh quay về tìm, nghe anh nhắc, Lý Gia Đồ mới biết thì ra hai người nên đi ăn trưa.
Cậu cười ngượng, giơ bìa sách cho anh xem, “Em đang đọc cuốn này.”
“Tặng em này.” Tô Đồng nhìn thoáng qua, “Mua rồi vừa ăn vừa đọc nhé?”
Lý Gia Đồ ngạc nhiên mở to mắt, bật cười, “Được. Anh mua sách rồi à?”
“Ừ.” Trong tay anh có một bộ sách, sơ qua thì có bốn, năm quyển, cả tiếng Trung lẫn tiếng Anh, “Tặng hai quyển cho em.”
Lý Gia Đồ khép sách lại, vội nhận bộ sách từ tay anh, nhìn gáy sách một cái, thấy có hai quyển kẹp ở giữa bèn ngẩng đầu lên hỏi, “Hai quyển nào?”
Tô Đồng chỉ hai quyển sát nhau nhất, “Hai quyển này.”
“Cảm ơn thầy Tô!” Đó đúng là hai quyển sát nhau mà Lý Gia Đồ vừa ý, cậu nghĩ một lát rồi nói thêm, “Chút nữa ăn xong hẵng quay lại đây xem thử nhé? Em cũng muốn tặng sách cho anh.”
Anh rút bản đặc biệt trong lòng cậu ra, “Được. Anh đi tính tiền trước đã.”
Lý Gia Đồ theo chân anh vào tiệm sách, bấy giờ mới phát hiện thì ra quầy bên cạnh của tiệm này còn bán cả chuông gió. Cậu nhìn một chiếc chuông gió băng liệt văn(*) một chốc, chợt nghe Tô Đồng hỏi, “Muốn à?”
(*Chú thích: Cái “liệt văn” mình đã giải thích ở tầm PN 1 phần 11, đó là một dạng hoa văn trên gốm sứ mà mình không biết tiếng Việt của nó là gì. Nguyên văn ở đây là 冰裂纹)
“Hả?” Lý Gia Đồ giật mình, giải thích với anh, “Nếu đặt cái băng liệt văn này trên cửa sổ thì mang ý học hành gian khổ. Không biết đặt trên chuông gió thì có ý gì…”
Tô Đồng gỡ chuông gió xuống, cũng đưa cho nhân viên thu ngân luôn.
Lúc Lý Gia Đồ đợi nhân viên gói chuông gió lại thì nghĩ thầm rằng, sau khi lấy chiếc chuông gió này về, phải treo lên cửa sổ phòng mình mới được.
Cậu nhìn xung quanh những giá sách bên cạnh bàn thu ngân, mừng rỡ trông thấy một bản “Lịch sử kiến trúc Trung Quốc”, tiện tay cầm lên lật xem, thời gian xuất bản đúng là vào cái năm bọn cậu quen nhau. Sách giống vậy thì hồi đại học Lý Gia Đồ đã từng đọc một quyển, khi ấy cũng phát hiện ra sự trùng hợp này.
Chỉ tiếc đó là sách của thư viện, đọc xong phải trả lại, ban đầu có ý định mua một quyển tặng Tô Đồng, sau đó lại vì những chuyện khác nên quên khuấy mất. Bây giờ nhìn thấy lần nữa, Lý Gia Đồ lập tức đưa sách cho nhân viên thu ngân.
Nhân viên thu ngân đã thanh toán tiền cho Tô Đồng xong, thấy thế lại đưa một cái nhìn kỳ lạ về phía anh.
“Sách này là tôi mua.” Lý Gia Đồ móc ví ra, nói với Tô Đồng đang không hiểu gì, “Em tặng anh.”